SIÊU ÂM CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE THAI KỲ

Siêu âm có ảnh hưởng tới sức khỏe ?


Siêu âm là điều kiện bắt buộc trong kiểm tra sức khỏe thai kỳ đối với mỗi sản phụ. Nhưng rất nhiều bà mẹ lo ngại liệu siêu âm có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi? Tôi có nên đi siêu âm thai? Vậy, siêu âm có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé? Và siêu âm cần chú ý điều gì? 
Để trả lời được những câu hỏi trên, các bạn cần phải biết những điều căn bản như bản chất của siêu âm là gì?
Bản chất của siêu âm:
Siêu âm được đưa vào chẩn đoán Y Học từ những năm 50 sau khi trải qua một thời gian dài nghiên cứu, cơ sở kỹ thuật ghi hình của siêu âm chính là sự tương tác của tia siêu âm với các tổ chức trong cơ thể. Các tia siêu âm đi trong môi trường cơ thể tuân theo quy luật chi phối của sự truyền sóng âm trong vật chất. Các tia siêu âm hay bất kỳ loại tia nào cũng tác động lên tổ chức được thăm dò: Làm tăng nhiệt độ tại chỗ, rối loạn phản ứng sinh học tại tổ chức.
Để đánh giá ảnh hưởng của sóng siêu âm đến các tổ chức của cơ thể. Người ta đo cường độ tia trên một đơn vị diện tích. Thực tế cho thấy khi cường độ nhỏ hơn 100mW/cm2 sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể người cũng như sức khỏe thai phụ. Vì vậy, các loại đầu dò siêu âm chẩn đoán hiện nay được sản xuất phải đáp ứng yêu cầu này để đảm bảo an toàn.
Do hiện tượng sinh nhiệt của môi trường. Năng lượng sóng âm một phần biến đổi thành nhiệt năng. Nhưng đối với siêu âm chẩn đoán thì nhiệt lượng sinh ra là quá nhỏ và tiêu tán rất nhanh do đó không đủ để gây ra những biến đổi sinh học trên cơ thể con người.
Rất nhiều công trình nghiên cứu về hậu quả của siêu âm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe sản phụ. Ví dụ như hồi cứu hồ sơ bệnh án và tình trạng lâm sàng của nhóm quần thể được khám nghiệm siêu âm trong thời kỳ bào thai đem so sánh với những nhóm không được siêu âm. Kết quả là không tìm thấy bằng chứng nào về hậu quả sinh học của trường siêu âm chẩn đoán.

Đối với bào thai sử dụng siêu âm chẩn đoán người ta nhận thấy: Không có dị dạng, không bất thường thai nhi, không có chậm phát triển thai kỳ do sóng siêu âm.
Ủy ban xem xét về hậu quả sinh học của Viện Nghiên Cứu siêu âm trong Y Học của Hoa Kỳ ( A.I.U.M- American Institude of Ultrasound in Medicine) đã kết luận:
- Trong phạm vi tần số sử dụng thấp thì sẽ không có một hậu quả sinh học đáng kể trong mô, tổ chức với cường độ I (SPTA) < 100mW/cm2.

- Với thời gian xuyên âm nhỏ hơn 500 giây và cường độ phải đủ cao để cho tích số cường độ với thời gian xuyên âm đảm bảo < 50 Joules/cm2 thì không có hậu quả sinh học nào
Như vậy, có thể kết luận: Siêu âm chẩn đoán thai kỳ không ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và bào thai
Những lưu ý khi siêu âm:
- Khi sử dụng mode Doppler xung, vì năng lượng nó lớn gấp 10- 20 lần siêu âm thông thường, không nên siêu âm Doppler trong những tháng đầu của thai kỳ. Nếu siêu âm Doppler không nên siêu âm quá nhiều một cách không cần thiết.
- Cần biết những thời điểm cụ thể trong thai kỳ cần thiết để siêu âm mục đích chẩn đoán phát hiện sớm dị tật, bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

Các hình thức siêu âm thai kỳ hiện nay thường được sử dụng:
- Siêu âm đầu dò
- Siêu âm mode B ( siêu âm 2D)
- Siêu âm 3D
- Siêu âm Doppler ( Doppler xung).
Siêu âm giúp các bà bầu chẩn đoán, theo dõi quá trình phát triển của than nhi và phát hiện sớm dị tật. Từ đó, các mẹ bầu có hướng kịp thời điều trị và can thiệp kịp thời những diễn biến bát thường trong quá trình mang thai để con trẻ được sinh ra khỏe mạnh, thông minh, thỏa mãn nguyện vọng của gia đình và sống có ích cho xã hội.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét